Gần 40 năm đến với nghề xiếc, NSƯT Phi Vũ dành trọn vẹn tình yêu, sự tận tâm và nghiêm túc với nghề. Để giờ đây, những đêm diễn của ông vẫn điều đặn khi tấm rèm sân khấu được kéo mở.
Sinh ra ở xứ Huế mộng mơ, thế nhưng trong máu cậu bé Vũ lại chẳng hề có chất thơ mà chỉ có cái tính nghịch và lì lợm. Mới tám tuổi, cầm đầu lũ trẻ con trong xóm trèo tót lên cái cột cao cả mét để múa lân mà chẳng hề run chân hay lo sợ. Ngay từ thời đó, cái tố chất xiếc đã chảy trong máu của cậu dù suốt ngày bị ăn đòn vì tội hay leo trèo. Năm 1978, Phi Vũ theo chân các anh lén lút trốn ba mẹ lên Sài Gòn rồi ở lì tại đó không bén mảng về suốt năm năm trời để quyết theo nghề.
Từ thời điểm bén duyên với nghề, Nghệ sĩ Phi Vũ chọn luôn cho mình tiết mục xiếc trên cột để tập luyện, mất 1 năm để thuần thục các động tác. Buổi diễn đầu tiên, nghệ sĩ Phi Vũ không nhớ gì ngoài khoảnh khắc mình lên cao trên cột rồi tự dưng lao cắm đầu xuống đất, nhưng may mắn có bạn diễn đỡ được chứ không thì chắc đã đi gặp tiên tổ. Tiết mục nguy hiểm, tập luyện khó khăn, áp lực tâm lý nặng nề khi đứng trên sân khấu, có những lúc người nghệ sĩ thấy nản, nhưng càng nản, càng suy nghĩ thì sau đó lại càng quyết tâm hơn để thành công dù số lần bị ngã bị trầy chân bong gân diễn ra như cơm bữa.
Dù khó khăn, cực khổ, dù phải khổ luyện trong đau đớn của những vết thương nhưng tất cả một sự thể được xua tan đi khi giây phút tấm rèm khởi mở, người nghệ sĩ bước ra sân khấu dưới ánh đèn lung linh và tiếng vỗ tay chào đón của những khán giả mộ điệu bộ môn xiếc. Cũng chính tiếng vỗ tay và sự hô hào cổ vũ của người xem là niềm hạnh phúc trọn vẹn cho những ngày dày công luyện tập của họ. Và nghệ sĩ Phi Vũ cũng như vậy, với ông “được ra sân khấu diễn là một vinh hạnh, sân khấu là một thánh đường của nghệ sĩ mà”
Những năm 1990, khi cái thời phim truyện video của Đài Loan, Hồng Kông tràn ngập thị trường thì cũng là lúc nghệ thuật xiếc lâm vào giai đoạn hẩm hiu, khó khăn nhất. Rất nhiều nghệ sĩ đã phải rời bỏ nghề, để kiếm kế nuôi thân. Nghệ sĩ Phi Vũ cũng không thoát khỏi cái vòng xoáy của thị trường, hàng ngày ngoài việc tập luyện thì Ông phải đi vác gạo mướn, bốc xếp ở bến xe hay làm thợ gò hàn để trang trải cho cuộc sống. Tưởng chừng như cuộc sống sẽ bóp chết đam mê nhưng không, chàng nghệ sĩ trẻ vẫn miệt mài rèn giũa trong những lúc rãnh thời và trong đâu chưa bao giờ ông nghĩ tới việc từ bỏ xiếc.
Trải qua bao thăng trầm, năm 1997, Phi Vũ vinh dự là nghệ sĩ xiếc đầu tiên ở miền Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đó như một lời tri ân của nghề dành cho ông sau nhiều hi sinh đóng góp.
Chẳng ai tránh được quy luật sinh lão, chàng nghệ sĩ trẻ ngày nào dần dần già đi, tay yếu hơn, bụng to ra, phản xạ cũng chẳng còn nhanh nhẹn. Sau một lần lưu diễn tiết mục đu tuột ở Đài Loan, thì đến động tác lộn thấy quá khó khăn chật vật, ông mới nhận ra ôi mình già quá rồi, phải dừng lại thôi. Thời điểm một nghệ sĩ nhận ra mình đã già nó cũng buồn như một con chim chẳng còn cất cao giọng hót. Biết mình biết ta, giới hạn trong sức lực không biểu diễn được những món nghề khó thì “mình già thì diễn kiểu già, lấy kinh nghiệm sân khấu để chọc cười khan giả, già có cái ích của già, già mà không tàn không phế”
Cũng là sân khấu, cũng là những tiêc mục biểu diễn nhưng giờ đây đã khác, người ta sẽ thấy một ông già trong trang phục của một chàng hề với những pha trò trong các tiếc mục hề ghế, hề soi gương, hề cử tạ, hề lăn. Cái duyên dáng và sự khéo léo đã làm mê mẩn những cô cậu bé tròn xoe đôi mắt.
Bài viết dựa trên thông tin của báo Tri Thức Trẻ
Viết & Biên tập: Nguyễn Tuấn
Hình ảnh: Hoàng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét